Mới đây, tại Hội nghị nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 Trạm y tế (TYT) xã điểm các tỉnh phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ những hạn chế của y tế tuyến cơ sở.
Cụ thể, theo thống kê có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.
|
Nâng cao năng lực KCB ở y tế cơ sở theo nguyên lý Y học Gia đình. (Ảnh minh hoạ) |
Y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao; Chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu; Nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa; Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít…
Trong khi đó ở nước ta hiện nay, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm thì chỉ có 3 địa phương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái có đầy đủ bác sĩ tại các TYT, hiện còn 8/26 TYT chưa có bác sĩ làm việc tại TYT; 9/26 chưa có y sĩ, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.
Các danh mục kỹ thuật thực hiện trung bình chỉ thực hiện được 68,3% trong tổng số 76 dịch vụ trong gói dịch vụ y tế cơ bản; TYT cao nhất là 89,5%; thấp nhất chỉ có 19,7%...
Cũng theo Bộ trưởng, mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình đã được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… và được người dân rất tin tưởng lựa chọn.
|
Mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình đã được chú trọng phát triển… và được người dân tin tưởng. (Ảnh minh hoạ) |
Trước thực trạng này, Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới mở rộng việc đào tạo nhân lực tuyến y tế cho các tỉnh khó khăn thông qua Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET).
Tại đây, cán bộ y tế sẽ được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu kết hợp nâng cao sức khỏe gắn với hoạt động y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh không lây nhiễm. Khóa đào tạo tập trung vào nội dung hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng trạm y tế, phòng chống ung thư phối hợp y tế cơ sở và y tế chuyên sâu trong phòng chống ung thư, vai trò dinh dưỡng, chẩn đoán và xử lý cơn hen và đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...
Bộ Y tế dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 TYT điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) xong hết cả đầu tư, nhân lực và hoạt động của TYT xã theo nguyên lý y học gia đình. Mạng lưới y học gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, quản lý tốt sức khỏe người dân, nhất là những người mắc các bệnh mạn tính, giúp giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân…
Phát triển hệ thống y tế bền vững, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một trong những mục tiêu hàng đầu của các hệ thống y tế trên thế giới. Trong đó, Y học Gia đình được đánh giá là giải pháp căn cơ mang lại sức khỏe cho mọi người, góp phần tăng hiệu quả và thực hiện công bằng trong chăm sóc y tế.
Đồng thời, mô hình này đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống y tế theo hướng “công bằng - hiệu quả - phát triển - chất lượng”, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân./.